(PLO) - Hè đến, người dân ở các làng dọc bờ biển miền Trung kéo nhau ra biển ngủ qua đêm.
Trời nắng Nam, gió Lào thổi ràn rạt, làng biển Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) kéo nhau ra bờ biển ngủ giải nóng. Mùa hè năm nào cũng vậy, người dân ra biển ngủ ban đêm như một lệ tục đảm bảo tinh thần được sảng khoái. Năm nay, họ ra biển ngủ với một lòng thương nhớ.
Nghi thức xa xưa
Ông Phạm Văn Đồng đã gần 70 tuổi, cuộc đời của ông sinh ra và lớn lên gắn chặt với nghề biển. Bọn trẻ nhỏ trong xóm cứ đến hè lại được ông rủ ra biển ngủ. Làng ông gọi biển là bể và ngủ được gọi là ngáy. Thường chiều muộn, người ở đây vẫn gọi nhau: “Ra bể ngáy ò” (ra biển ngủ nhé).
Ông Đồng kể: “Ngủ biển sáng dậy sức khỏe sảng khoái vì không khí trong lành. Mùa nóng mà không ra biển là chịu không được. Mỗi ngày đều phải ra biển để đi làm nghề, tối ra biển để ngủ cho lại sức, cho mát mẻ là ai cũng ưng”.
Ông Đồng có bao nhiêu tuổi thì có bấy nhiêu mùa hè ngủ biển. Từ xa xưa, những bậc khai canh làng theo thuyền từ miền Bắc vào đất này lập nghiệp, 12 dòng họ đã lần lượt rời thuyền lên bờ để dựng nhà, khai hoang. “Nhóm người đến trước ngủ ở biển để chờ nhóm người lên sau trên những chiếc thuyền vượt khơi từ xa vào bờ. Ngủ để đợi lâu thành lệ, thành tục nên sau này khi làng xóm ổn định thì nghi thức ngủ biển vẫn được duy trì, vừa để giải nóng nhưng vừa để tưởng nhớ những người mãi không cập được bờ” - cụ Đồng bày tỏ.
Không chỉ làng Thanh Bình mà khắp dọc dài những làng biển ở tỉnh Quảng Bình từ mũi đèo Ngang vào đến Ngư Thủy với 121 km đều có tục ngủ biển vào mỗi mùa hè. Câu chuyện họ kể tương tự cụ Đồng nói nhưng mỗi làng có một cách ngủ biển khác nhau.
< Những đứa trẻ làng biển sau đêm ngủ với cát.
Ở vùng Ngư Thủy, cụ Trương Hoàng nói: “Ngủ biển ở làng tui ngoài không gian mát mẻ ra thì còn chờ cá vào. Mỗi bình minh là dân làng thức giấc ngay mép biển để phụ làm lưới, giặt lưới, lấy cá, gánh cá... Hàng trăm năm nay đều rứa nên nó thành lệ, một cái lệ tự nhiên chứ không gò bó”.
Dulichgo
Còn ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh), cụ Hoàng Nhỏ cho hay: “Thời trước, đàn ông ra biển hết, còn đàn bà thì dắt con nít ra biển ngủ trên cát ngóng đợi người đàn ông trụ cột trong nhà về. Hôm sau cá về là gánh cá vượt cát đi bán luôn, nhà cửa làm bằng cỏ rười, không có trộm cắp nên yên tâm ra biển ngủ mà đợi chồng con, đợi người yêu trai tráng cho hy vọng gặp gỡ hôm sau được đoàn viên với thuyền cá đầy ắp. Có những cơn giông tố bất ngờ làm cho người này mất, người kia không về thì ngủ biển để chia sẻ, để hưởng vọng thờ tự với mảnh đời xấu số”.
Ngủ biển họp chợ và cưới phiên
Ở làng Thanh Bình, cụ Dương Khư kể: “Tui mù lòa từ nhỏ nhưng ngủ biển năm nào cũng không vắng mặt. Chừ bọn con nít có quạt mát, có nhà mắc điều hòa rồi nhưng chúng vẫn rủ nhau đi ngủ biển mỗi đêm hè. Dân biển mà không ra ngủ biển thì khó chịu lắm, nó thấm vô máu thịt, hồn cốt bọn con nít, nó truyền trong suy nghĩ của người lớn cho con cái nên cứ biết nói, biết đi là được cho ra ngủ biển”.
Cụ Phạm Tụng nói thêm: “Bây giờ người già vẫn đưa bọn trẻ trong làng ra ngủ biển. Chúng giờ học hành nhiều, biết sách vở nhiều nhưng kiến thức biển làng chúng thiếu lắm. Đưa chúng ra đứa nào cũng ưng đi cả, ra biển thì nhìn lên trời để chỉ cho các chòm sao, các vì sao, kể chuyện ngày xưa không có máy móc hiện đại thì đi biển như thế nào. Cách nhìn con nước ra sao để đoán lúc nào có cá, lúc nào không. Con trăng tròn ra sao thì cá không còn đóng đèn, lúc đó làng biển phải nghỉ làm lên bờ. Đàn ông trong làng lại kể những cách sinh tồn khi lỡ thuyền đầy nước, cách bắt cá bằng các loại câu, rồi cách tìm luồng ruốc biển... đều khai tâm cho sắp nhỏ được biết để mai này có đi xa quê còn nhớ chốn của mình gốc gác nào”.
Cụ Nhỏ kể: “Ở làng tui, bọn thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ thường kéo nhau ra ngủ biển vài đêm, chúng ra để hít thật sâu cái mùi cát làng, để có mất mát chúng cũng là con cái của làng”. Cụ Nhỏ vừa nói vừa nhìn lên trang thờ gia đình, đứa con của cụ - liệt sĩ Hoàng Văn Túy hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 rồi nói: “Hắn ngủ biển mấy hôm rồi đi, chừ hắn không về nhưng dân làng biển trước khi đi mà ra ngủ như thế là cũng vững lòng lắm”.
Dulichgo
Một chuyện thú vị khác mà cụ Đồng kể trên cát làng: “Ngủ biển trước đây còn là để bàn chuyện cưới phiên. Ngư dân thời hợp tác xã đi làm cùng nhau, trai tráng ra đánh bắt cả, ai yêu ai như thế nào đều dành cho đêm ngủ biển mà tìm hiểu chứ không có mấy thời gian tìm hiểu trong làng. Đêm mùa hè thì cứ tìm hiểu nhau, sau đó hẹn ngày cưới, cả một thuyền bè, cả một đội thuyền nhiều người đi mà hẹn ngày có trùng nhau thì ngư dân phải chia phiên ra cưới hỏi để bạn thuyền đi được hết. Cưới phiên là như vậy”. Theo các bậc cao niên, cưới phiên ngày trước là vậy để đảm bảo ai cũng có cá mừng đủ đầy ngày hạnh phúc.
< Vợ và con sau đêm ngủ biển đợi chồng trở về sau chuyến đi biển.
Tôi về làng, mùa hè năm nay cũng ra biển ngủ, mấy đứa con nít xủi chân trên cát. Ra phía biển là niềm hy vọng sinh khí của làng giữa mùa hạ oi bức. Mấy đứa nhỏ cùng đi bộ vượt cát, đứa nào cũng ưng, chiếc chiếu sờn góc trải lên, gió biển thổi mát mặt nhưng mùa này thuyền không xuống biển như mọi năm trước. Một nỗi niềm chờ đợi bao nhiêu ngày qua. Ngủ biển đợt này ai cũng hỏi khi nào có tin nguyên nhân con cá đầy nghĩa tình với làng biển vì sao qua đời. Riêng bọn con nít thì vui đùa đến vô tư rồi chìm vào giấc ngủ ngay trên cát, trong ầm ào tiếng sóng biển đêm.
Lệ ngủ biển có khắp các làng bãi ngang ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... bởi đó là không gian sinh hoạt thoát khỏi oi bức mùa hè của những tháng ngày thiếu thốn. Ngày nay, nói như cụ Nguyễn Văn Hòa ở Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì ngủ biển để xả strees vì ban ngày việc về bộn, ban đêm ôm chiếu cùng nhúm chăn ra biển thì gặp hầu hết bạn bè, người làng người xóm.
Cụ Hòa cho hay: “Tin tức gì của thế giới hay trong làng, trong nước cứ ra ngủ biển là biết được hết, từ bọn thanh niên đọc trên điện thoại đến cái đài nhỏ người cao tuổi mang theo”. Còn ở làng tôi, bọn con nít ra biển ngủ hay đọc đồng dao về tình người qua những con cá:
Cá biển cả bầy là con cá đục/ Cắt ra nhiều khúc là con cá chình/ Trai gái rập rình là con cá he/ Chồng nói vợ nghe là con cá mác/ Chung tiền đánh bạc là con cá cờ/ Tối ngủ hay sờ là con cá ngứa/Ngày ăn hai bữa là con cá cơm/ Ăn chẳng kịp đơm là con cá hấp/ Rủ nhau lên dốc là con cá leo/ Miệng thở phì phèo là con cá đuối/ Nhọn mồm nhọn đít là con cá dẹc/ Nấu ra nhão nhoẹt là con cá khoai/ Hay ăn trộm ngoài là con cá nhám/ Lệch kệch làng càng là cá ông căng/ Già rụng hết răng là con cá móm/ Bộ đi lóm khóm là con cá bò/ Ăn chẳng biết no là con cá nóc/ Có gai trên ốc là con cá ngạnh/ Có hai cái cánh là con cá chuồn/ Rủ trai vào buồng là con cá ngộ/ Nghe lời trai dỗ mang gói sang sông/ Bỏ mẹ theo chồng là con bạc má/ Biển thời lắm cá, sông thời lắm tôm/ Đó là cái nguồn sinh nhai kiếm sống.
Mỗi mùa ngủ như thế được khai tâm thật hay về biển cả quê hương thật diễm phúc.
Theo Minh Quê (Pháp Luật)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét