Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Chùa cổ Phụng Sơn

Nằm trên đường 3 tháng 2, P.2, Q.11, TP.HCM, chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi cổ tự danh tiếng của miền Nam.

Chùa Phụng Sơn còn được gọi là chùa Gò, được xây dựng từ khoảng những năm đầu của thế kỷ XIX dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn (1802-1820) trên nền của một ngôi chùa Khmer cổ kính đã bị hoang phế.

Tương truyền, trên đường vân du hành đạo từ Trung vào Nam, thiền sư Liễu Thông, pháp danh Chơn Giác, tục danh Huỳnh Đậu (1735-1840), người gốc Thanh Hóa, đã đến vùng đất Gia Định, dừng chân bên một gò đất cao, dưới chân gò là một bàu sen bao quanh trong xanh mát mẻ, trên mặt bàu điểm lấm tấm những đóa hoa sen hồng đang nở rộ.

Thấy cảnh trí u nhàn thiền sư Liễu Thông đã quyết định dựng lên một thảo lư tại gò đất ấy. Mới đầu ngôi thảo lư rất nhỏ với mái lá đơn sơ, thờ Phật (tượng Phật của chùa Khmer cũ còn lại).

Vào những buổi chiều, tổ sư Liễu Thông vẫn thường lần chuỗi hạt, đi niệm Phật quanh bốn phía gò đất. Một ngày nọ, Tổ sư đang đứng trước thảo lư, bỗng thấy một con chim phụng từ đâu bay đến đậu trên cành cây ngô đồng và cất tiếng hót véo von. Nhận thấy việc chim phụng xuất hiện là điều hiếm có và là điềm lành, cho nên Tổ sư Liễu Thông liền đặt tên chùa là Phụng Sơn.

Từ ngày thành lập đến nay, chùa Phụng Sơn đã trải qua 9 đời trụ trì, khai sơn do Tổ sư Liễu Thông (Chơn Giác) và từ năm 1996 đến nay là thầy Thích Trí Định (Nguyên Tu) trụ trì.

Chùa Phụng Sơn đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, lần trùng tu vào  năm 1904-1915 và năm 1960 là hai lần lớn nhất tạo diện mạo lưu tồn mãi đến ngày nay của ngôi chùa.
Dulichgo
Chùa Phụng Sơn được xây dựng theo hình chữ Tam (Hán Tự) với chiều dài trên 40m, chiều rộng khoảng 20m. Mái chùa lợp ngói âm dương và sà thấp xuống hai bên hàng hiên rộng làm cho không khí trong chùa thông thoáng, mát mẻ, phù hợp với khí hậu Á Đông. Bộ giàn trò của chùa cao ráo, toàn danh mộc, lâu năm lên nước đen bóng.

Khi vừa bước vào chùa Phụng Sơn du khách, Phật tử sẽ thấy một cổng tam quan đồ sồ được xây dựng từ năm 1969 theo bảng vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Cổng giữa của tam quan cao đến 5m, rộng 4,2m và hai trụ cột ở hai bên có cặp câu đối: “Phụng diên kim ngôn kinh giác chúng thức tam quy tiên nhập thiền môn/ Sơn đàm ngọc kệ độc thi nhân từ ngũ giới bảo tăng giác ngộ”.

Tạm dịch: Chim phụng hót lời vàng đã dạy chúng sinh biết tam quy tới đây vào cửa thiền/ Chư sơn lời ngọc khiến từng người giữ ngũ giới để sớm lên đường giác ngộ.

Còn hai cổng phụ ở hai bên cao 2,8m, rộng 1,5m. Trên hai cổng có 4 chữ SƠN MÔN và CHƠN TỊNH. Hai trụ ở hai bên có cặp câu đối:

“Cổ truyền đạo đức hằng chúc phương tiện
Cổ tại nhân gian quảng đại quần sinh”.

Tạm dịch: Đạo đức Phật giáo cổ truyền mở rộng bằng nhiều phương tiện/ Chùa chiền trong thế gian này độ rộng khắp mọi chúng sinh.
Dulichgo
Từ bên trong cổng nhìn ra, ở trên là 3 chữ “A DI ĐÀ”, còn tất cả các cột phụ đều có những câu đối kể lại sự tích chùa và ca ngợi công đức của Phật.

Bên trong chùa được chia làm hai khu rõ rệt, là chánh điện và giảng đường. Ở giữa có một sân nhỏ thường gọi là thiên tỉnh.

Chánh điện chùa Phụng Sơn được bài trí tôn nghiêm theo quy cách của những ngôi chùa Nam bộ. Bộ tượng Tam Tôn gồm Phật A Di Đà, Bồ-tát Quan Âm và Thế Chí được đặt ở vị trí cao nhất. Tại bàn Tam bảo thờ 5 vị Phật và Bồ-tát đều có cầm bửu bối trong tay, còn tay kia trong tư thế bắt ấn, thể hiện công đức của Phật đang hoằng độ chúng sinh.

Đặc biệt là pho tượng Phật bằng đá trắng được dát bằng 200 miếng vàng lá được tìm thấy trong khi tiến hành đào kinh Cây Gõ gần đó vào năm 1911, tượng ông Tiêu (Tiêu Diện) bằng gốm sứ đặt ở chính diện chùa, đối diện với bàn thờ Phật, đã góp phần giới thiệu một phong cách nghệ thuật và kỹ nghệ chế tác tượng gốm Nam bộ vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Sau lưng bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ. Ở đây có một tượng Phật Thích Ca do Nhật Bản tạc theo phong cách nhệ thuật ghép từng mảnh gỗ tạo thành tượng ruột bộng,  với những đường nét chạm trổ rất tinh tế, bay bướm làm cho dáng tượng thoải mái, không chút gì gò bó. Ngoài ra, còn có pho tượng Tổ Đạt Ma được làm bằng gỗ do Hòa thượng Huệ Minh mang từ Hà Nội về và hai pho tượng Phật “Hàng Ma”, gồm một tượng do người Việt tạo ra và một tượng do người Thái Lan tạo, đây là pho tượng Phật cổ quý hiếm.
Dulichgo
Đặc biệt, khuôn viên chùa không có hàng rào bao quanh và gắn liền với nhà người dân thể hiện rõ tín ngưỡng văn hóa dân gian của các ngôi nhà ở Nam bộ.

Đứng từ sân chùa Phụng Sơn, nhìn bàu sen bao quanh, khách tham quan có thể tưởng tượng rằng đó là biên giới giữa đạo và đời, giữa sự yên tĩnh với sự ồn ào, náo nhiệt của một khu đô thị đang trên đà phát triển. Vào năm 1988, chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, loại di tích kiến trúc nghệ thuật.

Có thể nói, chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ còn lại của Nam bộ, mang đầy đủ sắc thái đặc thù, tín ngưỡng dân gian từ kiến trúc, ngoại cảnh cho đến lịch sử, nghệ thuật.

Theo Huyền Trang (Giác Ngộ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét