Núi rừng, sông suối Ba Tơ chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên, nhiều nơi cũng gắn liền với lịch sử hào hùng của quê hương Quảng Ngãi. Trong ấy dòng sông Liên để lại trong lòng người ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng.
Là thượng nguồn của sông Vệ, sông Liên dài chừng 30km, chảy theo hướng tây nam-đông bắc, bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây nam Quảng Ngãi các xã Ba Nam, Ba Lế, giáp với các huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai và An Lão tỉnh Bình Định. Do ở triền đông Trường Sơn nên sông có độ dốc cao, hợp lưu của nhiều con suối từ rừng tự nhiên. Phần đầu nguồn, sông nhỏ hẹp len lỏi qua triền núi, sườn non, rồi rộng dần khi chảy qua địa phận các xã Ba Nam, Ba Lế, Ba Bích, đến gần thị trấn Ba Tơ thì hợp với sông Tô, thành sông Liên chính chảy qua các xã Ba Chùa, Ba Thành, Ba Động và nối tiếp đổ vào sông Vệ.
Sông đẹp nhất vào mùa xuân, dòng sông trong xanh, bóng mây và rừng in xuống đáy nước. Sông quanh co gấp khúc nhưng mềm mại, dịu dàng. Từ xã Ba Bích về xuôi địa hình ít đồi dốc, ven sông có những cánh đồng nhỏ, người địa phương trồng lúa nước. Trên sườn non cheo leo, thỉnh thoảng gặp hoa gạo bắt đầu kỳ trổ bông màu đỏ tươi trên cây. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên bên dòng sông Liên tuyệt mỹ.
Dulichgo
Bao thế hệ người dân vùng cao nơi đây, đã gắn liền với dòng sông, với những địa danh như Hang Én, Bến Đò, Vực Bà, nay thuộc thị trấn Ba Tơ. Bến Đò rộng, giữa sông có những tảng đá to rất đẹp. Vực Bà một bên là bãi bồi, nơi người dân địa phương trồng bắp, đậu, một bên bãi sạn vô số viên đá to nhỏ nhẵn thín đến lạ kỳ. Trên thị trấn không xa thuộc địa phận xã Ba Bích là vực La Hang, người địa phương cho rằng, nơi đây nước sâu nhất của dòng sông Liên. Trong các địa danh ấy, một số nơi đã gắn liền với lịch sử cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ như Hang Én, Bến Đò...
Về thủy chế, mùa khô, nhất là dịp đầu xuân, khi chưa có mưa giông sông Liên hiền hòa, yên ả, rất đỗi nên thơ. Còn mùa mưa, khi liên tiếp những ngày mưa rừng trút nước, sông Liên cuồn cuộn như thác đổ, phủ ngập bãi bồi, sườn non. Do vậy, sát dòng sông Liên người ta không làm nhà ở. Nhà sàn của người đồng bào làm trên sườn non gần suối nước.
Sông Liên có nhiều loại thủy sản vùng cao như cá niên, chình sông, ốc đá... Cá niên ở đây ngon nổi tiếng. Người bản xứ và người ở cuối sông Liên đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện đi thuyền ngược dòng thả lưới bắt cá, bắt ốc bằng tay... nhưng cũng cần loại bỏ kiểu rà điện gây hại môi trường sống của thủy sinh vật.
Dulichgo
Thế đó, mỗi mùa một vẻ, sông Liên được người dân bản xứ coi là bạn đồng hành với cuộc sống. Họ luôn tìm cách khai thác ưu thế, chủ động phòng tránh thiên tai. Sông Liên rất cần sự chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn để sông ổn định nguồn nước, mùa nắng không khô kiệt, mùa mưa hạn chế được lũ lớn, đem lại nhiều nguồn lợi nhất cho vùng cao Ba Tơ!
Theo Bùi Văn Tạo (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét