Múa siêu đã trở thành một nghi thức biểu diễn độc đáo tại các lễ hội văn hóa dân gian, là một phần không thể thiếu trong nhiều nghi lễ hầu thần và cầu ngư ở Phú Yên.
Đặc sắc nghệ thuật biểu diễn
Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên (ngày hội) vừa qua, ở phần thi lễ hội truyền thống, các địa phương ven biển như TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tuy An đều chọn lễ cầu ngư để thi diễn. Trong đó, múa siêu nghinh thần là nghi thức trình diễn không thể thiếu.
Mỗi địa phương có một cách bố trí đội hình siêu khác nhau và bài biểu diễn có đôi chút khác biệt. Song nhìn chung, đội múa siêu thu hút người xem ngay từ cách sắp xếp đội hình và trang phục.
Người cầm trống lệnh và đội siêu trong trang phục cổ truyền có thắt lưng, đầu chít khăn, tay cầm siêu rất nổi bật. Bài múa thể hiện những chiêu thức đao pháp vừa uyển chuyển, vừa uy vũ của tinh hoa võ Việt, phô diễn tính cách mạnh mẽ, hào khí.
Ông Tuấn Minh, người có hơn 20 năm tham gia phong trào văn nghệ dân gian ở huyện Tuy An, lý giải: “Bài múa siêu nghinh thần của đoàn Tuy An có tên là “Song thiên đề đao” hay còn gọi là siêu Ông. Nội dung như sau: Xung thiên đề đao trảm phản nghinh/ Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh/ Đê đầu tầm thụ lai phụng tấn/ Trảm phạt trung bình tọa ngưu canh/ Long thăng hổ giáng loan xa sát/ Tiềm tàng ẩn phục điểu kiên thinh/ Lạc mã bàng phi lai cấp thích/ Tứ trung bình tọa phục môn sanh. Các thầy võ học truyền lại cho đệ tử bài múa theo khẩu quyết này. Bài siêu mang ý nghĩa tâm linh của người dân miền biển biểu diễn hầu thần và diệt trừ ma quỷ”.
Theo thầy lễ Lê Vĩ Đại, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), múa siêu là bộ môn nghệ thuật nghinh thần, nên diễn viên trong đội múa siêu được chọn phải là những chàng trai khỏe mạnh, có tinh thần thượng võ và hiểu biết về ý nghĩa linh thiêng của đội siêu trong nghi thức cúng tế.
Anh Đàng Công Hưởng ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), khán giả xem trình diễn múa siêu lễ hội cầu ngư tại ngày hội, chia sẻ: “Tôi xem điệu múa, đao pháp khi chọc thẳng lên trời, khi phạt bốn phương tám hướng vừa mạnh mẽ vừa mềm mại rất sinh động và thích mắt. Tôi rất thích nghi thức múa siêu trong lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển”.
Nhiều không gian biểu diễn
Không chỉ phổ biến trong lễ hội cầu ngư của người dân miền biển, múa siêu còn được biểu diễn trong nhiều lễ hội văn hóa dân gian truyền thống khác.
Ông Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Phú Hòa, cho biết: “Múa siêu có nhiều ý nghĩa trong sinh hoạt văn hóa của người dân. Múa siêu hầu thần, diệt trừ ma quỷ trong các nghi thức cúng tế mang ý nghĩa tâm linh. Múa siêu cũng được biểu diễn để chào mừng đại biểu tham gia trong các lễ hội văn hóa. Múa siêu thường thấy trong nghi lễ cầu ngư của người miền biển, còn ở miền đồng bằng, múa siêu được biểu diễn trong các lễ hội cúng thần, cúng đình, cúng thành hoàng…”.
Trong nhiều lễ hội lớn, múa siêu trở thành tiết mục biểu diễn đầy tính nghệ thuật khi được kết hợp với nhạc bát âm trở thành điệu thức võ tế thần đặc biệt hấp dẫn. Tiêu biểu có nghi thức múa siêu tại Lễ hội đền Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa), Lễ hội đền Lê Thành Phương (huyện Tuy An)… thu hút đông đảo người dân hào hứng đón xem.
Ông Huỳnh Trọng Thống cho biết thêm: “Các bài múa siêu oai nghiêm, mạnh mẽ được lồng nhạc bát âm sẽ thêm phần uyển chuyển và mềm mại. Bài múa siêu sẽ trở thành tiết mục trình diễn giàu giá trị nghệ thuật”.
Theo ông Lê Thế Vịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL Phú Yên), sở đang trình hồ sơ lên Bộ VH-TT-DL đưa Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, ngành Văn hóa đặc biệt chú trọng công tác khuyến khích các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Ngành Văn hóa tỉnh chú trọng đầu tư phát triển ở hạng mục nghệ nhân dân gian biểu diễn trong đó có đội siêu chèo.
Theo Diệu Anh (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét