Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Những mốc biên giới VN dành cho kẻ phượt

Các cột mốc biên giới sau thường nằm trong lịch trình chinh phục của các phượt thủ đam mê sự thử thách.

- Cột mốc 0 A Pa Chải

Cột mốc nằm ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung, thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên khoảng 250 km. Đây chính là cực Tây của Việt Nam, phía tây bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía tây nam giáp với Lào. Ở nơi “con gà gáy 3 nước cùng nghe” này tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì.

Cột mốc đa giác cao 2 m bằng đá hoa cương, nằm trên bệ đỡ vuông vức 25 m2, tọa lạc trên đỉnh núi Khoang La San có độ cao gần 1.900 m, ba mặt hướng về ba nước, mỗi mặt khắc quốc huy và tên nước bằng ngôn ngữ từng quốc gia. Việc cắm cột mốc ở đây được hoàn thành vào ngày 27/6/2005.

Muốn leo lên cột mốc, bạn phải có giấy giới thiệu của nơi công tác, hoặc giấy xác nhận đi du lịch của địa phương sinh sống để xin được giấy phép ở Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên. Thủ tục làm trong khoảng 2 tiếng, và giờ làm việc bắt đầu lúc 8g. Sau khoảng 4 tiếng vượt rừng, bạn sẽ hoàn tất hành trình chinh phục cột mốc 0 A Pa Chải.

- Cột mốc 1378

Nếu cột mốc số 0 A Pa Chải là khởi đầu của đường biên giới Việt - Trung thì cột mốc số 1378 chính là cột mốc cuối cùng. Cột mốc này có vị trí đặc biệt khi nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Dulichgo
Mốc hình trụ được xây khá cao, để không bị chìm khi thủy triều lên. Quá trình xây lại gian nan vì nền đất yếu. Từ ngày 18/11/2009 đến nay, cột mốc 1378 đứng vững giữa biển cả bao la.

Ra đến được cột mốc này không phải chuyện đơn giản. Trước hết, bạn phải được Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cấp phép, sau đó đồn biên phòng trực tiếp quản lý cột mốc sẽ sắp xếp thời gian và cử cán bộ đưa bạn đi. Đến đê Tràng Vỹ và sau nửa giờ đò máy, bạn sẽ ra đến cột mốc tròn to có 3 vạch sơn đen, vàng, đỏ trên nền trắng. Đứng đây, bạn còn có thể nhìn thấy cột mốc 1377 thuộc hải phận Trung Quốc.

- Cột mốc 428

Cột mốc 428 bằng đá hoa cương nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cách đó 2 km là con sông Nho Quế xanh thẳm, phân chia ranh giới giữa nước ta với Trung Quốc. Đây là cột mốc đánh dấu phần lãnh thổ vươn xa nhất về phía bắc của Tổ quốc.

Đường lên cột mốc 428 chỉ dài 2 km, nhưng địa hình hiểm trở nên phải mất gần 3 tiếng đi bộ, bắt đầu từ cuối bản Xéo Lủng, nơi sinh sống của đồng bào H'mong.

Đến nơi, bạn có thể nhìn thấy cả cột mốc 426 trên đỉnh núi phía xa, cột mốc 427 chếch xuống lưng chừng núi. Hành trình này thường kết hợp đến thăm cột cờ Lũng Cú cách khoảng 5 km về phía bắc.

- Cột mốc 79
Dulichgo
Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, nằm ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cột mốc được cắm vào ngày 24/10/2004 ở cao độ gần 3.000 m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San. “Nóc nhà biên cương” này nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt - Trung.

Để tới được đây, bạn cần có giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu và trình báo với đồn biên phòng Vàng Ma Chải.

- Cột mốc 42

Cột mốc cao thứ 2 Việt Nam chính là mốc 42 ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, do đồn biên phòng Pa Vệ Sủ quản lý. Cột mốc bằng đá hoa cương phân chia ranh giới với Trung Quốc được cắm vào ngày 8/10/2008, ở độ cao trên 2.800 m. Đường đi đến mốc 42 băng qua nhiều dòng suối chảy xiết, những dốc cao có khi phải 4 tiếng mới vượt qua được, những nơi chênh vênh ngay bờ vực.
Dulichgo
Tuy nhiên, vẫn có những đoạn đường khung cảnh đẹp như tranh vẽ, với những khu đồi trắng xóa màu hoa dại, những tán cây hồng quang rợp sắc hoa đỏ. Những ai muốn chinh phục đỉnh Pu Si Lung sẽ đi qua cột mốc 42 này.

- Cột mốc 92

Từ Lào Cai, bạn theo tỉnh lộ 156 ngược lên thị trấn Bát Xát rồi đi đến địa phận xã A Mú Sung. Từ trung tâm xã, đi gần 20 km men bờ sông Hồng là đến cột mốc số 92 thuộc đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đây là điểm ngã ba. Sông Nguyên Giang của Trung Quốc hòa cùng dòng Lũng Pô của Việt Nam, trở thành khởi nguồn của sông Hồng chảy vào nước Việt.

Cột mốc 92 được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 7/12/2004 ở độ cao 114 m, do đồn Biên phòng Lũng Pô quản lý. Trong hành trình đến đây, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những ruộng bậc thang trải rộng và dòng nước đỏ nặng phù sa miệt mài trôi của con sông Hồng.

- Cột mốc ngã ba Đông Dương

Cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương nằm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp ranh tỉnh Ratanakari của Campuchia, tỉnh Attapư của Lào. Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam - Lào.
Dulichgo
Cột mốc ba biên được làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, nằm trên ngọn núi cao 1.086 m, xây từ ngày 29/11/2007 đến ngày 18/1/2009, mỗi mặt có khắc quốc huy và tên từng nước. Theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Quảng Nam lên Kon Tum, đi 80 km đường hẹp, bạn sẽ đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, và những bậc thang bê tông sẽ đưa bạn đến với cột mốc này.

- Cột mốc 240

Đi ngang Đồng Tháp, hãy dành thời gian ghé vào cửa khẩu Thường Phước để đến với cột mốc biên giới 240, phân ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Tại đây cũng là nơi sông Mekong chảy vào Việt Nam sau khi bắt nguồn từ Tây Tạng của Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia. Cả 9 nhánh sông lớn đã tạo nên con sông Cửu Long, vun đắp phù sa để khắp cả miền Tây Nam Bộ được trù phú, sung túc.

Theo Phước Bình (News Zing)
Du lịch, GO!

Quyến rũ suối Nước Lang

Suối Nước Lang (xã Phước Xuân, Phước Sơn) đẹp quyến rũ trên dãy Trường Sơn bởi nét hoang sơ của núi rừng, cuốn hút du khách gần xa.

< Một trong nhiều bậc thác nhỏ ở suối Nước Lang.

Nước Lang - tên con suối nằm cạnh quốc lộ 14E, thuộc thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, cách thị trấn Khâm Đức của Phước Sơn chừng 12km, cách 7km nếu tính về hướng Hiệp Đức.
Khách đến đây rẽ vào con đường núi, men theo cánh rừng keo xanh rì rồi chợt thấy suối Nước Lang hiền hòa lăn mình qua những vách đá.

Khi gần đến suối, tiếng dòng nước ào ào như réo rắt, như vội vã thôi thúc bước chân nhanh nhịp hơn. Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ , vừa hữu tình. Bầu trời xanh cao vời vợi cùng với dãy đồi núi bao quanh soi bóng dưới mặt nước trong vắt tựa hồ như bức tranh sơn thủy.
Dulichgo
Suối có ba bậc thác ngắn, đồ về dòng nước trong xanh, mát lạnh, rì rào giữa tán rừng già. Dòng nước mát lạnh đổ xuống những tảng đá xếp kề lên nhau tạo nên một bức tranh đẹp quyến rũ.

< Đám trẻ đến từ phố được tận hưởng những xúc cảm mát lành từ thiên nhiên hoang dã.

Đi lên đầu nguồn, những hồ nước nhỏ phẳng lặng hiện ra như mời gọi khách phương xa. Nơi đây rất yên vắng và thật gần gũi với những ai muốn đi tìm khung cảnh tĩnh mịch, thú vị giữa thiên nhiên hoang dã.

Xen giữa thung lũng xanh là những thềm đá được tạo hóa xây nên to, phẳng. Dòng suối mát ngã mình róc rách như reo vui giữa chốn mộng mơ, kỳ ảo. Càng ngược về thượng nguồn, những bãi đá hiện lên với nhiều kích cỡ, hình hài phong phú. Dòng nước cũng theo đó uốn mình lượn lờ như điểm nét hoan ca.

< Ánh sáng mặt trời xuyên qua tán rừng già bao phủ con suối.
Dulichgo
Bức tranh thiên nhiên nơi đây càng sống động hơn mỗi độ hè về, những ánh nắng chói chang xuyên qua từng kẻ lá, những tiếng chim, tiếng ve kêu rộn rã, tiếng dòng suối ngân nga hòa theo nhịp vui núi rừng. Còn gì thú vị hơn khi được tắm mình dưới dòng nước mát trong này, khi được chuyện trò say sưa dưới những tán cây rợp bóng mát, trên những bàn ghế đá của tự nhiên.

Không cần phải đi đâu xa thăm thú, không cần phải xa xỉ lựa chọn khu du lịch này hay khu sinh thái nọ, về với suối nguồn thiên nhiên – về với suối nước Lang là bạn đã tự thưởng cho mình một buổi nghỉ mát đầy hấp dẫn và tiện lợi.

< Đắm mình thỏa thích trong làn nước mát lành.

Chính nét hoang sơ ấy quyến rũ khách địa phương kể cả khách lạ, nhất là những bạn thích phượt khám phá. Ông Hồ Văn Chiếu, người dân thôn Nước Lang cho biết, trong những ngày hè này, mỗi ngày có hơn trăm du khách từ các nơi, kể cả khách nước ngoài tìm đến để cắm trại, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên.
Dulichgo
Anh Vũ Thế Vĩnh, du khách chuyên "phượt", công tác tại một công ty du lịch ở Hà Nội chia sẻ: “Suối Nước Lang này rất đẹp, nếu biết phát triển và bảo vệ tốt, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Bởi không chỉ có suối, có thác mà còn có bản làng, đồng bào sinh sống”.

< Du khách thích thú món gà nướng của người dân nơi đây.

Suối Nước Lang từ lâu đã là điểm dừng chân của nhiều du khách và người dân địa phương trong mùa nắng nóng.

Nơi đây là điểm cần được quan tâm đầu tư khai thác hợp lý sẽ rất có hiệu quả. Khả năng thu hút cao đối với loại hình du lịch dã ngoại, tham quan, thắng cảnh và nghỉ dưỡng. Hiện nay, cơ sở vật chất và hạ tầng không nhiều, nhưng với vị trí thuộc xã Phước Hòa thì vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu du khách.

< Cá niên, đặc sản tại suối.
Dulichgo
Cảnh sắc nơi đây chắc hẳn sẽ còn đẹp nữa, đẹp mãi nếu như ai ai cũng biết giữ gìn. Chỉ cần không xả rác bừa bãi, không thải bậy nơi thượng nguồn khi đến vui chơi, hay đơn giản là gom lại những đồ ăn, thức uống mà du khách mang theo trước khi ra về.

Không chỉ nơi đây mà ở mọi nơi, suối nước Lang – làng Nước Lang nói riêng, Phước Sơn nói chung sẽ ngày một sáng bừng hơn cùng vẻ đẹp hùng vĩ xanh ngát đất trời ấy..

Du lịch, GO! tổng hợp

Suối Nước Lang trên đường 14E
Du lịch Phước Sơn

Ngọt, giòn từ món hoa chuối rừng

(BQN) - Cứ mỗi độ cuối năm, khi những cánh rừng phía tây của tỉnh có ánh nắng xuyên qua cũng là lúc hoa chuối rừng nở bung sắc đỏ tươi. Đây là dịp để người dân các huyện miền núi vào rừng hái hoa chuối về chế biến các món ăn hoặc bán về miền xuôi.

Hoa chuối rừng có màu sắc đỏ đậm hơn nhiều so với hoa chuối nhà vườn. Đây là sản phẩm mà núi rừng hào phóng ban tặng cho đồng bào miền núi trong mùa đông vốn thiếu rau tươi. Loài hoa này có thể chế biến thành nhiều món ăn như: Luộc chấm muối ớt, xào…, nhưng có lẽ để lại dư vị cho người thưởng thức vẫn là món hoa chuối rừng trộn, hay món rau sống có hoa chuối rừng ăn với bún, mì Quảng. Món ăn dân dã vừa ngon miệng, vừa rẻ tiền này nay đã về với phố thị, làm món khai vị trong những bữa tiệc cưới, nhà hàng, hàng quán...

Món hoa chuối rừng trộn tuy làm đơn giản, nhưng cũng cần sự tỉ mẫn. Sau khi hái hoặc mua về, qua đôi bàn tay khéo léo của mình, những người mẹ, người chị lột những lớp vỏ già bên ngoài, chỉ lấy lớp vỏ non rồi thái thật mỏng. Để hoa chuối trắng, tươi, giòn, nhả mủ, trước khi thái, các chị, các mẹ phải chuẩn bị một thau nước có pha chút giấm, hoặc chanh, hay đá lạnh... Hoa chuối được thái mỏng thả vào chậu nước cứ cong vòng, sóng sánh trông rất ngon.
Dulichgo
Sau khi rửa sạch, vớt ra, các mẹ bắt nồi khử dầu, phi hành để nguội rồi trộn đều với hoa chuối đã thái mỏng. Để món trộn hoa chuối rừng ngon hơn, các mẹ, các chị phải vắt thêm tí chanh, chút ngọt của đường, hơi cay của ớt và thêm ít lá thơm, trộn thêm ít đậu phụng là có món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn, mang đậm hương vị của núi rừng trong bữa cơm gia đình.

Bây giờ, hoa chuối rừng đã về phố, được các nhà hàng, quán ăn, chế biến “cách điệu” hơn. Thay vì chỉ trộn dân dã như bà con miền núi, thì nay họ có thể thêm ít tai heo đã luộc thái mỏng hay tôm luộc, bò khô trộn cùng với hành phi, lá thơm, đậu phụng... Món ăn từ núi rừng này nay trở nên sang trọng, bắt mắt được đặt bên những món “cao lương, mỹ vị” trong mâm ăn.

Hoa chuối rừng còn được nhiều người ở phố ưa chuộng khi được chế biến thành món rau sống ăn với mì Quảng, với bún...
Dulichgo
Trong cuộc mưu sinh, ở phố thị đã có nhiều quán bán bún, mì Quảng mọc lên, nhưng quán nào hiểu “gu” của thực khách chế biến thêm món rau sống trộn với hoa chuối rừng bao giờ cũng thu hút khách. Như quán “Mụ Rơi” đường Phan Đình Phùng (TP. Quảng Ngãi) nhờ bán bún bò với rau sống có hoa chuối rừng nên lúc nào cũng đông khách.

Theo Mai Hạ (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Chinh phục 7 dòng thác quyến rũ ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn và đặt biệt là những dòng thác hiền và luốn quyến rũ du khách gần xa.

Thác Gia Long:
Thác Gia Long (Drai Sáp Thượng) nằm trên dòng sông Ea Krông, thuộc địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 18 km về phía Nam. Năm 1930-1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở nhà đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới đòn roi tra tấn, cực hình của chúng để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo đi qua sông Ea Krông. Sau ngày giải phóng miền Nam tới nay, thác Drai Sáp Thượng đã trở thành điểm du lịch ngoạn mục của du khách trong và ngoài nước.

Thác Drai Kpơr:

Thác Drai Kpơr thuộc địa bàn buôn Trưng, xa Chư Bông, huyện Ea Kar, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km về hướng Đông, gồm 4 ngọn thác nối tiếp nhau, mỗi ngọn thác có một vẻ đẹp riêng.
Dulichgo
Cách thác 500m là căn cứ cách mạng Buôn Trưng từ 1960 đến năm 1975. Đây là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Thác Drai Dlông:

Thác Drai Dlông thuộc địa phận xã Ea Mdroh, huyện Chư M’gar cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 35 km về hướng Tây Bắc, được chia thành 3 dòng chảy, trải dài như 3 dải lụa trắng từ trên cao đổ xuống làm tung lên vô vàn những bụi nước li ti mờ ảo như làn khói.

Thác Drai Dlông là điểm đến đầy tiềm năng của huyện Chư M’gar.

Thác Dray Nur:
Dulichgo
Thác Dray Nur, nằm gần thác Gia Long, trên địa bàn huyện Krông Ana, bắt nguồn từ dòng sông Srêpôk.

Vì thác có độ cao lớn nên nước chảy ầm ào, mạnh mẽ, tạo nên âm thanh đầy ấn tượng đối với du khách. Những hơi nước, bụi nước tung ra, bay lên, cùng với cảnh quan hoang sơ của rừng đại ngàn, tạo ra không gian trữ tình, thơ mộng ngày càng thu hút khách đến.

Thác Krông Kmar:

Thác Krông Kmar, nằm cạnh dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, cách trung tâm huyện Krông Bông hơn 2 km, từ trên đỉnh núi cao, nước theo từng bậc, chảy tuôn trào.

Đi ngược về phía thượng nguồn, sẽ gặp một hồ nước xanh thẳm giữa rừng nguyên sơ. Nơi đây, hàng năm đã thu hút nhiều du khách đến để ngắm cảnh, thưởng ngoạn và thưởng thức những món ăn độc đáo bên thác nước ầm ào.

Thác Bảy Nhánh:
Dulichgo
Thác Bảy Nhánh thuộc buôn N’Drêch, xã Ea Huar (Buôn Đôn), cách thành phố Buôn Ma Thuột 35 km về hướng Tây Bắc. Dòng sông Srêpôk chảy về đây gặp một ghềnh đá lớn chia làm bảy nhánh nhỏ, nên gọi là Thác Bảy Nhánh.

Nơi rộng nhất của thác khoảng 2 km. Nhánh thác thứ nhất được che bởi những rặng si già. Nhánh thác thứ hai, ba, bốn có ghềnh đá lớn, phù hợp cho du khách tắm mát, chụp ảnh lưu niệm, Nhánh thác thứ năm có bãi sạn, đá cuội được nước bào mòn trông đẹp mắt. Nhánh thác thứ sáu có sáu bãi cát rộng. Nhánh thác thứ bảy giáp vườn Quốc gia Yok Don.

Thác Thuỷ Tiên:

Thác Thuỷ Tiên (huyện Krông Năng) cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km, có 3 tầng, nên thường được gọi là thác ba tầng . Tầng thứ nhất có độ dốc thấp, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm, du khách có thể lên xuống dễ dàng.

Chung quanh thác là rừng đại ngàn, hai bên thác là những rễ cây buông xuống, quyến rũ và nên thơ. Tầng thứ hai có nhiều bậc đá, nước tuôn trào trắng xoá, có hồ nước nông, du khách có thể tắm mình trong dòng nước xanh và mát dịu. Tầng thứ ba, nước từ trên cao đổ thẳng xuống, có hồ nước khá sâu. Du khách đến với thác Thuỷ Tiên như đến với nàng tiên của núi rừng hùng vĩ, sẽ không muốn trở về.

Theo Dulich.vn, ảnh internet
Du lịch, GO!

Xóm Vũng Me

Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) đi vòng qua vịnh Xuân Đài, chạy dọc từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng La là đến Vũng Me. So với các vũng này thì Vũng Me thuộc diện vùng sâu vùng xa vì phải qua đoạn đường rừng núi dài 5 cây số. Khi đến cuối Vũng Chào vượt đèo lên núi Đại Hàn, đến giữa khu rừng gặp ngã ba rẽ phải vòng theo eo núi đá thì mới xuống Vũng Me…

Xóm nhà ở Vũng Me nằm trải dài bên bãi rạng. Giữa xóm nhà hướng ra biển gần 100m có một hòn đá dựng đứng nhô lên cao, người quanh vùng gọi là Hòn Nhàn. Từ Hòn Nhàn ngược vô đường bê tông (viền theo xóm nhà) có những tảng đá to bằng cái sàng, cái nong nhô lên khỏi mặt nước chắp lại với nhau giống như cây cầu gãy từng đoạn nối từ xóm nhà ra Hòn Nhàn.

Buổi chiều khi con nước ròng, nước biển ở Vũng Me trong vắt sóng vỗ nhẹ dập dờn, dưới ánh nắng xế, bãi rạng dưới chân Hòn Nhàn ánh lên sắc màu của đá. Ông Triều Văn Tiến (70 tuổi), một người dân Vũng Me cho hay, sở dĩ nơi đây gọi là Hòn Nhàn vì tảng đá giống như người ngày đêm ngồi ngắm biển.
Dulichgo
Phong cảnh Vũng Me nhìn nên thơ, nhàn hạ nhưng con người thì rất hối hả. Trưa tròn bóng, ông Bùi Văn Năm lắc thúng chai từ bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me về cập vào bãi rạng. Kéo thúng lên bờ, ông chồng hai cái rổ nhựa (đựng thức ăn tôm hùm) chất trong chiếc gióng, xỏ đòn gánh vào đưa lên vai gánh một đầu hai cái rổ nhựa phía sau lưng, đầu trước ông đè cánh tay cho đòn gánh chúi xuống, rồi bước nhanh lên đường bê tông đi về. Ông Năm nói: “Ở đây làm luôn trưa luôn tối, lúc tôm còn nhỏ thì cho ăn dặm, khi tôm “trộng” (cỡ 0,4-0,5kg/con) thì cho ăn dày để tôm mau lớn. Giá tôm hùm 1,5 triệu đồng/kg, nuôi cỡ 100 con bán thành phẩm cũng ấm túi”.

Người dân Vũng Me sống với tình làng nghĩa xóm thảo thơm. Trưa, chúng tôi đi qua xóm nhà, trước hàng ba, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên bữa cơm trưa, thấy người lạ ai cũng mở lời thân mật sẵn bữa mời ăn cơm.
Dulichgo
Chúng tôi vào nhà ông Trần Thức ở cạnh bãi rạng. Có khách lạ đến nhà, ông lấy cái ấm điện “siêu tốc” nấu nước chế bình trà. Ngồi xếp bằng trên bộ phản gỗ, nhâm nhi ly trà, ông Thức chia sẻ: Ở đây là vùng biển nên người dân sống đủ nghề phù hợp. Tôi có hai người con, một trai một gái. Đứa con trai lớn năm rồi lập gia đình cất nhà kề bên, tôi cho đứt nó cái bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me để vợ chồng có vốn lo cái “nồi riêng”. Còn tôi và đứa con gái hàng ngày lắc thúng chai vòng qua Hòn Nhàn ngược lên chỗ tiếp giáp giữa Vũng Me với Vũng La nuôi ốc hương.

Theo ông Thức, nghề nuôi ốc hương ở Vũng Me có 2 loại là nuôi trong ao đìa và nuôi chắn đăng. Nuôi trong ao đìa thì gần bờ vịnh, còn nuôi chắn đăng thì dùng đăng vùng tiếp giáp với biển. Thời gian qua, nuôi chắn đăng “tuột tay” vì ốc chết, còn nuôi đìa lại thắng lớn. Nguyên nhân là nuôi chắn đăng ngoài biển nước ô nhiễm ngâm trực tiếp vào chắn đăng lâu ngày, ốc hương chịu không nổi, thò vòi ra và chết sạch. Còn nuôi trong ao đìa thì ngăn ao xử lý nước trước khi xả vào, đảm bảo an toàn dịch bệnh nên vùng này hiện đang thịnh nghề nuôi ốc hương trong ao đìa.

Ồng Thức phân tích: “Theo kinh nghiệm của tôi, đừng ham nuôi dày mà phải nuôi thưa mới có ăn. Cỡ 10 vạn con ốc thả nuôi 1,5 sào, ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì “sai 15” (tức là 150 con/kg), sẽ ẵm gần tấn ốc thành phẩm, giá 210.000đồng/kg, doanh thu trên 200 triệu đồng”.

Vũng Me cũng là xứ sở của dừa. Theo nhiều người dân trong xóm, dừa có từ lâu đời, từ thời cha ông trồng để lại, thế hệ con cháu ở đây bao năm qua ra sức nuôi dừa. Dừa nối vòng tay bao bọc quanh xóm nhà, dừa trồng ngăn cách lối đi, làm hàng rào. Có cây dừa cao tuổi dựa lưng vào tường rào rợp mát một góc phía sau mé hè. Ở Vũng Me, tài sản dưới nước của dân là tôm hùm, ốc hương còn gia tài trên bờ là dừa. Nhiều năm qua, người dân ở đây bám làng, bám biển đầu tư nuôi trồng thủy hải sản tạo nguồn thu nhập, phát triển cuộc sống gia đình.
Dulichgo
Có một điều lạ là Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào đều nằm sâu trong vịnh Xuân Đài, riêng Vũng Me lại tiếp giáp với biển. Đứng ở Vũng Me nhìn về hướng tây thì thấy rõ biển Gành Đỏ (phường Xuân Đài), còn nhìn về hướng đông nam thì thấy gành Đá Đĩa, đảo Lao Mái Nhà (huyện Tuy An)… phong cảnh thật hữu tình, xinh đẹp.

Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!

Mơ xanh trên làng cổ Phong Nam

(TTO) - Giữa trưa hè nắng gắt, đang trên quốc lộ 1A hướng về phía trung tâm TP Đà Nẵng, tình cờ nhìn GoogleMap thấy hiện lên chấm xanh: làng cổ Phong Nam cách quốc lộ chừng 2km. Vậy là chúng tôi ngẫu hứng tạt vào.

Làng Phong Nam thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía Tây Nam. Trên bản đồ du lịch, làng Phong Nam được du khách biết đến với những công trình kiến trúc nhà cổ, miếu đình tồn tại cách đây hơn 100 năm, với những con đường làng yên vắng thanh bình như dẫn du khách về một hành trình quá khứ đầy hoài niệm. Nhưng trong chuyến thăm làng ngẫu hứng này, có lẽ ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những vườn rau mơ.

< Rau mơ góp phần tạo nên vẻ đẹp bình dị cho làng cổ Phong Nam.
Dulichgo
Con đường bê tông nhỏ đưa chúng tôi vào một đồng quê ngát xanh. Màu xanh lá mạ non, màu xanh thẫm núi rừng xa xa, rồi cả bầu trời xanh ngắt hút hút trong tầm mắt... Nhưng ngạc nhiên hơn là màu xanh mướt xen lẫn màu nâu tím nhạt của lá mơ mở ra trước mắt giữa trưa hè nắng nóng.

< Rau mơ men theo lối nhỏ đường bê tông vào làng.

Ngược dòng lịch sử, làng Phong Nam vốn là một trong những vùng đất được khai thác sớm từ thời Chăm. Đến thời Trần, Lê, những cư dân Đại Việt đầu tiên đặt chân lên vùng đất này sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, các loại nông sản ngô, khoai, mè...

< Nhà cách nhà bởi hàng rào rau mơ.

Về sau, người dân nhanh chóng phát hiện sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên. Làng nằm ven sông Cầu Đỏ, đất đai màu mỡ, ẩm ướt nên nhiều gia đình còn trồng thêm các loại rau, đặc biệt là mơ.
Dulichgo
Ban đầu chỉ vài nhà trồng dùng để bổ sung nguồn thực phẩm, chế biến các món ăn trong gia đình. Thương lái ngang qua vùng, thấy vườn rau xanh mướt hỏi mua về phố hay mang đi các ngả chợ. Rồi nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng, Quảng Nam nghe danh rau mơ làng cổ Phong Nam tìm đến mua, đặt hàng.

< Rất nhiều diện tích đất vườn được người dân sử dụng chuyên canh rau mơ.

Theo người dân làng, rau mơ cho lá quanh năm, thu hoạch liên tục, giá bán hiện khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi ngày có hộ thu hoạch bán khoảng 7 - 8kg lá mơ, thu nhập cao gấp mấy lần so với cây lúa.

Do nhu cầu ngày càng cao, những năm gần đây nhiều hộ gia đình đã tận dụng đất vườn rộng chuyên trồng loại rau này. Dần dần cả làng chuyển sang chuyên canh rau mơ.

< Người dân thu hái rau mơ hàng ngày bỏ cho thương lái phương xa.
Dulichgo
Không cần phân hóa học, thuốc trừ sâu, cây rau bám sâu vào lớp đất tơi xốp mà lên mươn mướt, tạo nên sắc thái riêng cho làng cổ Phong Nam. Rau mơ men theo con đường bê tông quanh co. Bạt ngàn rau mơ trong vườn. Nhà cách nhà cũng bởi hàng rào rau mơ...

Mơ xanh trên làng cổ Phong Nam

Không chỉ mang lại màu xanh bình dị cho làng cổ Phong Nam, rau mơ còn là vị thuốc quý trong bữa ăn người dân nơi đây. Bữa cơm mà không có đĩa rau sống kèm thêm vài lá mơ như thấy thiêu thiếu một cái gì đó.

< Hương vị rau mơ góp phần tạo nên các món ăn đặc sản.

Về Phong Nam, nếm thử rau mơ mới biết hương vị khá đặc biệt. Một cảm giác ngây ngất bởi sự nồng nồng, bùi bùi đan xen vị chua chua, ngòn ngọt, chan chát và thơm đến khó tả, khiến ta tưởng chừng tất cả hương vị thiên nhiên đồng nội đã được kết tinh, hòa quyện vào từng cọng rau.
Dulichgo
Còn các món ăn đặc sản của xứ Đà thành như thịt heo hấp cuốn bánh tráng, thịt dê, gỏi cá... và cả món ăn vặt như bún đậu mắm tôm sẽ mất ngon nếu không được ăn kèm với rau mơ Phong Nam.

Giờ đến Phong Nam, dạo một vòng quanh làng, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều nhà mái ngói, cao tầng rất đẹp mọc lên giữa những luống rau mơ xanh nõn nà, dài tít tắp. Thế mới hiểu vì sao, từ rất lâu rồi rau mơ đã nên duyên người dân làng nơi đây.

Theo Thanh Ly (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

2 làng cổ tại Đà Nẵng

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Đồng cừu Suối Nghệ ở Vũng Tàu

Bạn muốn chụp ảnh với những chú cừu dễ thương, xinh xắn nhưng lại ngại ra tận Ninh Thuận thì ngay ở Vũng Tàu cũng có một cánh đồng cừu khá hot ở xã Suối Nghệ – huyện Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu.

< Cánh đồng cừu ở Suối Nghệ - Vũng Tàu.

Ngoài các điểm đến quen thuộc, chụp hình đẹp ở Vũng Tàu như hồ Tràm, hồ Cóc, đèo Nước Ngọt... giờ đây du khách TP còn có thể tới thành phố biển này vào cuối tuần để check in một địa điểm là lạ, đó là đồng cừu thuộc vùng đất biển.

Cánh đồng cừu này cách Sài Gòn chỉ tầm 70 km nằm trên con đường Phước Tân – Hội Bài, đoạn ngang qua xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. Cánh đồng cừu Vũng Tàu hình thành từ một khu đất trống khô cằn, quanh năm nắng cháy da.

Nhưng từ khi có vài hộ dân thả cừu ăn cỏ, cánh đồng cừu bỗng trở thành một địa chỉ du lịch yêu thích của giới trẻ và các cặp đôi chụp ảnh cưới.

Đồng cừu trải rộng thênh thang, đến đây bạn sẽ có cảm giác như đang ở nông trại châu Âu tràn ngập màu xanh của rau, đồng cỏ bát ngát và những chú cừu trắng hiền từ đi dạo thong dong, yên bình.
Dulichgo
Cánh đồng cừu hình thành từ một khu đất trống khô cằn, quanh năm nắng cháy nhưng từ khi có vài hộ dân thả cừu ăn cỏ, cánh đồng cừu bỗng trở thành một địa chỉ du lịch yêu thích của giới trẻ, đặc biệt là các đôi chụp ảnh cưới.

Ở khu vực này có khoảng 3 đàn cừu, mỗi đàn chừng 150 con nhưng hai đàn cừu được mọi người chụp ảnh nhiều nhất là đàn cừu của chị Liên và đàn cừu của anh Thanh.

Ban đầu, các hộ nuôi cừu chủ yếu là để bán lấy thịt và lông. Tuy nhiên sau khi có du khách tìm đến để chụp ảnh và tham quan thì người dân đã làm dịch vụ phục vụ du khách. Đặc biệt, để “hút” khách, chủ đàn cừu đã mua thêm vài chú ngựa về thả chung, tạo nên những điểm nhấn hấp dẫn hơn cho những bức hình của du khách.

Phí chụp hình ở đây dao động từ  50-100.000 đồng/lượt/ tùy nhóm khách chụp hình cưới hay chụp hình lưu niệm. Để chụp được những tấm hình ưng ý, du khách nên nhờ những người chăn cừu hỗ trợ trong việc lùa cừu. Tránh tự tiện xông vào giữa đàn cừu tạo dáng chụp ảnh, đàn cừu sẽ sợ và chạy mất…
Dulichgo
Theo những người nuôi cừu ở đây, thường 6h sáng họ thả cừu ra ăn cỏ, khoảng 10h trưa lại đưa cừu về chuồng. Buổi chiều, họ thả cừu từ 14h đến 16h. Do vậy, bạn nên căn thời gian đến cho hợp lý. Nếu bạn muốn chụp ảnh với cừu thì thời gian lý tưởng nhất là từ 8 -10 giờ sáng và từ 3 – 4 giờ chiều.

Hướng dẫn đường đi:

Từ trung tâm TPHCM – Hầm Thủ Thiêm – Phà Cát Lái – KCN Nhơn Trạch – rẽ phải QL51 – Nhìn bên trái khi nào có Đại Tòng Lâm là sắp đến Bến xe Tân Thành – thấy 2 tòa nhà cao màu xanh (Phú Mỹ Town) thì rẽ vào – Khoảng 10 km – Gặp ngã 3 thì rẽ phải Châu Pha (có bảng hướng dẫn) – Ngã tư rẽ trái.
Dulichgo
Khi chạy thẳng tới chỗ gần đàn cừu các bạn nhìn bên trái sẽ thấy có một con suối và chạy thêm tí xíu nhìn bên phải sẽ mấy tòa nhà nóc màu xanh dương – Từ đây quẹo phải là vô đàn cừu chị Liên, còn chạy thẳng thì ra đàn cừu của anh Thanh.

Du lịch, GO! tổng hợp

4 cung đường ven biển tuyệt đẹp ở ViN

Cái cảm giác lái xe máy, và chiêm ngưỡng những cảnh sắc trên các cung đường, hoặc ngẫu hứng dừng lại để chụp hình - nó tuyệt vời hơn rất nhiều so với đi xe khách hoặc máy bay.

Có ai đi du lịch mà nhất định thích mê việc chạy xe máy, hoặc ngồi xe khách nhưng phải chọn chỗ ngồi bên cửa sổ, để có thể thoải mái nhìn ngắm những cung đường, những cảnh vật hai bên đường không? Chắc chắn là có rất nhiều. Và như ai đó đã nói, Hạnh phúc là trong suốt cả hành trình, chứ không phải đích đến. Có những con đường, còn đẹp hơn cả đích đến, và khiến người ta phải đứng lại, nhìn ngắm thật lâu.

Đặc biệt là những con đường ven biển. Và đường ven biển Việt Nam - thực sự khó có ngôn từ có thể diễn tả được. Việt Nam rừng vàng biển bạc. Hãy thử 1 lần đi xe bon bon trên những cung đường dưới đây - bạn sẽ hiểu thật trọn vẹn câu nói đó.

1. Đường ven biển Phan Thiết - Mũi Né
Dulichgo
Đoạn đường ven biển từ Phan Thiết tới Mũi Né tuy chỉ dài chưa tới 100km nhưng đảm bảo sẽ khiến bất kì ai đi qua cung đường này phải mắt chữ O, miệng chữ A vì quá đẹp!

Trái ngược với cảnh đông đúc, tấp nập xe cộ trên quốc lộ, cung đường ven biển hầu như vắng hoe, chẳng có mấy xe lại qua. Và thế là chỉ ta với ta hoà cùng trời cao biển rộng. Cảnh sắc hai bên đường đi đổ màu theo thời gian từ màu đất đỏ hoang mạc, sang vàng cam óng ả của cát, bao trùm lên khung cảnh hùng vĩ đó là màu nắng đặc trưng của miền nhiệt đới.

Khoan đã, có ai vừa nhắc tới hoang mạc à? Đúng vậy, bạn không hề đọc nhầm đâu! Khi chạy xe ngang qua Mũi Né, bạn sẽ được chứng kiến cảnh con đường thẳng tắp xé dọc một hoang mạc rộng lớn tới tận chân trời, trên nền đất đỏ au lác đác vài bóng cây cằn cỗi, đơn độc. Khung cảnh lúc này thực sự chẳng khác trong phim Mỹ là bao nhiêu.

2. Đường ven biển Bàu Trắng - Phan Rí Cửa
Dulichgo
Tiếp theo lên phía Bắc từ cung đường ven biển Mũi Né là đoạn ven biển Bàu Trắng - Phan Rí Cửa. Đoạn này đặc trưng với những cồn cát trắng phau nối đuôi nhau trải dài dọc 2 bên đường đi. Màu trắng của cát trên nền xanh thẳm của trời và biển, con người lúc này trở nên vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, lạc lõng trên con đường quanh co uốn lượn theo triền cát, càng đi khung cảnh lại càng mở rộng bất tận ra thêm.

Ngược lại với sự rực rỡ của đoạn Phan Thiết - Mũi Né trước đó, bức tranh thiên nhiên ở Bàu Trắng mang đến vẻ dịu dàng, mát mẻ hơn hẳn với hai tông xanh, trắng chủ đạo, nhưng lại chẳng hề thua kém về độ hùng vĩ.

3. Đường ven biển Cà Ná - Phan Rang
Dulichgo
Nếu đang mơ mộng tới cung đường nơi một bên là núi cao, một bên là biển rộng, đoạn ven biển Cà Ná ắt hẳn sẽ khiến bạn sướng tê người. Chính vì chạy dọc theo triền núi, quanh co uốn lượn nên đường này vốn rất ít xe lớn qua lại, tới đây thì bạn tha hồ mà thong dong cầm lái, tận hưởng trọn vẹn cảm giác non cao nước biếc chỉ cách mình một cái với tay.

Từ trên đường phóng tầm mắt ra xa là biển Cà Ná xanh và trong vắt như ngọc bích, cả một vùng biển trời bao la hùng vĩ tới choáng ngợp mà không hình ảnh nào có thể lột tả trọn vẹn được.

Cảnh biển thay đổi theo đường đi, có lúc phủ hết tầm mắt khoe khoang sự vĩ đại của đại dương, có lúc lại ngoan ngoãn nằm trọn trong lòng núi. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây thực sự khiến người đi đường phải trầm trồ không ngớt rồi sau đó ngẩn ngơ lặng người muốn nhìn ngắm mãi không thôi.

4. Đường ven biển Vĩnh Hy - Cam Ranh

3 cung đường trên, mỗi cung đường lại mang một sắc màu đặc trưng riêng không lẫn đi đâu được. Nhưng đặc biệt với cung Phan Rang - Cam Ranh, biển, núi, cánh đồng, hoang mạc, nơi đây có tất cả!
Dulichgo
Phan Rang nổi tiếng là xứ sở của nho, nên khi đi qua đây bạn sẽ được chạy xe xuyên qua 1 đoạn toàn những cánh đồng nho xanh mướt, xinh xắn.

Kế tiếp là cảnh bao la của biển cả và núi non trập trùng tưởng như chẳng có điểm dừng, rồi một đoạn nữa toàn những cánh đồng muối lấp lánh như gương dưới mặt trời, chầm chậm dừng lại một tí rồi ghé mắt nhìn xuống đồng cỏ xanh bên dưới đường mà xem, cả một bầy cừu con nào con nấy béo núc ních đang vô tư gặm cỏ, chơi đùa.

Cứ như thế khung cảnh 2 bên đường lần lượt đem bạn từ sự bất ngờ này, sang sự ngạc nhiên kia, và ắt hẳn tới tận khi về tới nhà rồi, bạn sẽ còn phải ngẩn ngơ vương vấn mãi không thôi về thiên nhiên Việt Nam.

Theo P; Ảnh: Hữu Dương / Trí Thức Trẻ
Du lịch, GO!